ĐỔI MỚI SINH HOẠT TỔ CHUYÊN MÔN THEO HƯỚNG NGHIÊN CỨU CHUYÊN ĐỀ

ĐỔI MỚI SINH HOẠT TỔ CHUYÊN MÔN THEO HƯỚNG NGHIÊN CỨU CHUYÊN ĐỀ

   Hôm nay, ngày 13/10/2022 tổ chuyên môn Lịch Sử – Địa Lý trường THCS Tân Hộ Cơ tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu chuyên đề: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn Lịch Sử, Địa Lí và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9 năm học 2022-2023. Tham dự buổi sinh hoạt có thầy Lê Văn Long Em – PHT chuyên môn về dự và chỉ đạo thực hiện.

   Nội dung chuyên đề: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn Lịch Sử, Địa Lí và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi năm học 2022-2023, do cô Trần Thị Kim Tuyền – Tổ trưởng tổ chuyên môn thực hiện.

Chuyên đề đánh giá tình hình thực tế trong tổ về mặt mạnh, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế đồng thời cũng đã đưa ra giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà của bộ môn và những kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng HSG môn Lịch sử và Địa lí của tổ như:

    1/ Đối với chất lượng bộ môn

* Đổi mới phương pháp dạy học

– Trong quá trình giảng dạy, giáo viên tổ chức dạy học phân hóa theo nâng lực học sinh, tạo điều kiện cho học sinh định hướng học tập phù hợp với năng lực của mình. Cần xây dựng các chuyên đề nâng cao để bồi dưỡng, rèn luyện tư duy, sáng tạo cho học sinh khá giỏi; đồng thời dạy học bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng của bộ môn đối với học sinh có năng lực trung bình, yếu, kém.

– Xây dựng tốt mối quan hệ thân thiện tích cực trong thầy trò để dạy và học tốt hơn. Ví dụ: bắt đầu đơn giản bằng việc mang đến cho học sinh những nụ cười trong những giờ học khô khan, trò chuyện về lòng trắc ẩn sau những bài giảng trên lớp… Làm sao để thầy cô trở thành những người bạn của học sinh, để bài giảng kiến thức trở thành niềm vui khám phá tạo được nhiều hứng thú cho tiết học.

– Khen thưởng, khuyến khích đúng lúc, đúng chỗ sẽ kích thích các em trong quá trình học tập. Giáo viên luôn đối xử công bằng với các em học sinh.

– Khai thác có hiệu quả các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy và học.

* Đổi mới kiểm tra đánh giá

– Nội dung KTĐG đảm bảo yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất của học sinh, giảm các câu hỏi chỉ thuộc bài, tăng cường kiểm tra kiến thức ở mức độ hiểu và vận dụng.

– Khi chấm bài kiểm tra giáo viên phải có nhận xét, giúp học sinh nhận biết những ưu điểm, hạn chế để điều chỉnh tốt hơn. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh.

– Xây dựng hệ thống ngân hàng đề kiểm tra, đăng tải trên Website của trường để cho giáo viên và học sinh tham khảo.

    2/ Một số kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi

Lựa chọn đội tuyển học sinh giỏi: Phát hiện, bồi dưỡng các học sinh có năng khiếu học môn địa lý. Khuyến khích các em nâng cao ý thức học tập, làm cán sự nòng cốt cho bộ môn, tham gia đội tuyển học sinh giỏi… ngoài tính thông minh, chịu khó tôi còn chú trọng đến các em có khả năng sử dụng những thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính… để các em truy cập trang web tìm những thông tin bổ sung kiến thức cũng như nghiêm túc trong vấn đề liên lạc giữ tôi và các em bồi dưỡng.

Biên soạn chương trình và tài liệu bồi dưỡng: Biên soạn nội dung bồi dưỡng cần phải rõ ràng, cụ thể, chi tiết cho từng chuyên đề, bồi dưỡng theo quy trình từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để các em học sinh bắt nhịp dần. Bên cạnh đó, giáo viên sưu tầm bộ đề thi các năm trước của huyện, tỉnh Đồng Tháp hoặc các tỉnh khác nhằm giúp học sinh tiếp xúc làm quen với các dạng đề, luôn tìm đọc, tham khảo các tài liệu hay định hướng cho học sinh.

Công tác tổ chức bồi dưỡng: Giáo viên lập kế hoạch bài học một cách cụ thể tránh tình trạng thích đâu dạy đó, không lang mang, ôm đồm. Mức độ vận dụng từ dễ đến khó. Nếu chúng ta nôn nóng, bỏ qua bài tập cơ bản, cho ngay bài khó, học sinh không biết bắt đầu từ đâu kết quả là không định hình được phương pháp làm bài, càng học càng hoang mang. Phương châm của tôi: dạy chắc cơ bản rồi dạy nâng cao, thông qua những bài luyện cụ thể để dạy phương pháp tư duy – dạy kiểu dạng bài có quy luật, loại bài có tính đơn lẻ rồi luyện các dạng tổng quát.

Phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh để tạo mọi điều kiện giúp các em học tập bồi dưỡng và phát huy hết năng lực của mình.

Phương châm “Bồi dưỡng mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm”: Giáo viên có thể tạo nhóm học tập trên Zalo, Facerbook, giới thiệu các em vào trang bồi dưỡng HSG Lịch Sử, Địa Lý để các em chia sẻ, giải đáp thắc mắc nội dung bài học… Và tôi đã soạn ra thời khóa biểu riêng cho các em, lên kế hoạch bồi dưỡng liên tục và đều đặn.

Ngoài những yếu tố trên thì việc xây dựng hình tượng người giáo viên bồi dưỡng cũng không kém phần quan trọng.

   Qua chuyên đề, từng giáo viên trong tổ đánh giá cao tính cần thiết và thiết thực, cũng như thống nhất nội dung của chuyên đề. Bên cạnh đó cũng nhận ra trách nhiệm của mình ứng với mỗi việc làm, với mỗi chức năng nhiệm vụ của mình để góp phần nâng cao chất lượng các phong trào mũi nhọn cũng như chất lượng đại trà của tổ.

    Thầy Lê Văn Long Em – PHT chuyên môn thống nhất và đánh giá cao nội dung chuyên đề cụ thể thiết thực trong tổ, chuyên đề mang tính thời sự cao, thời gian tổ chức nghiên cứu phù hợp, Tổ đã vận dụng tốt từ chuyên đề trong sinh hoạt Đảng. Có sự chuẩn bị chu đáo trong buổi sinh hoạt tổ theo hướng nghiên cứu chuyên đề. Bên cạnh đó, thầy cũng đã chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện công tác chuyên môn trong tháng 10.

    Kết thúc buổi sinh hoạt, Tổ ghi nhận và tiếp thu những ý kiến quý báu của giáo viên và sự chỉ đạo của BGH. Hi vọng qua buổi sinh hoạt chuyên đề và sự đồng lòng thực hiện nhiệm vụ cao của giáo viên sẽ đem lại chất lượng cao trong công tác chuyên môn năm học 2022-2023.

                                                             Nguồn: trường THCS Tân Hộ Cơ

Người viết tin, bài: Trần Thị Kim Tuyền

Tổ Lịch Sử – Địa Lí